Ảnh mới


Chuyện con hươu, con nai

1. Xưa có câu ca dao ca ngợi những người giàu có trong làng hay tạo công ăn việc làm cho những người tá điền như sau.

"chúa trai là chúa hay lo
đêm nằm cắt việc ra cho mà làm"

Người có đầu óc là người luôn nghĩ ra việc để làm. Ai nghĩ ra càng nhiều việc thì càng tài năng. Muốn giàu có như họ thì nghĩ việc ra mà làm đi. Xã hội công bằng vô cùng. Ai giỏi thì được hưởng. Giỏi là "làm được", không phải "nói hay". Nói hay, bằng cấp tốt, hiểu biết nhiều KHÔNG liên quan gì đến năng lực làm việc.

2. Quản lý nhà hàng, cửa hàng ở Singapore, Quảng Châu, Hồng Công...không bao giờ cho người bán hàng ngồi. Luôn luôn đứng, đi lại, lau chùi kính, bàn ghế, váng nhện, phải sạch bóng và khô ráo mọi nơi như toilet, sàn, gầm bàn, gầm ghế, kệ,..

Ở công ty, các team leader luôn nghĩ việc để đảm bảo ko có người nào trong team được ngồi không, có thời gian chết, hay xao nhãng. Giao kèm với thời hạn hoàn thành. Việc giao nhiều, dồn dập....buộc họ phải làm hết cái này đến cái khác, vừa đi vừa chạy. Ở đâu có nhân viên la cà trên mạng, ngủ gục, hoặc quẹt ĐT miết là ở đó có những quản lý kém cỏi.

3. Còn các bạn đang là nhân viên, thấy quản lý team mình không giao việc, quản lý mình mà ngồi không, coi internet nhảm nhí, chat chit, facebook cá nhân, đọc tin tức tào lao, ngáp lên ngáp xuống...,thì biết rồi đó. Kết quả kinh doanh sẽ rất tệ, buôn bán chậm, thua lỗ, mình không có thu nhập tốt. Tất cả là do quản lý kém tài. Mình là nhân viên, đầu óc chỉ có vậy nên phải phụ thuộc họ. Mình mạnh dạn tới gặp, yêu cầu họ giao việc cho mình làm. Họ không thể nghĩ ra nhiều việc để giao cho mình làm thì nói "hay là anh chị xuống chức đi, để em lên thay cho". "Ăn cơm chúa, múa tối ngày". Tụi em sẽ "múa tối ngày", nhưng anh/chị phải đảm bảo cơm cho tụi em. Anh chị cần chứng tỏ năng lực cho tụi cấp dưới em nể phục coi. Con hươu con nai đầu đàn phải có nhiệm vụ tìm bãi cỏ non cho cả đàn no bụng. Sao anh chị làm quản lý mà để tụi em đói?

4. Thể hiện đầu tiên của 1 người năng lực là "nghĩ ra danh mục các việc mình làm và người khác làm, trong ngày, trong tuần, trong tháng". Phải có óc quan sát, kỹ năng giao việc, giám sát nhân viên hoàn thành thật tốt.

Năng lực, năng lực!!!! Do you have năng lực?

P/S1: Ai nghĩ ra càng nhiều việc thì càng giỏi, càng giàu có một cách xứng đáng. Muốn giàu có như họ thì nghĩ ra việc mà làm đi. Xã hội xưa nay đã công bằng như thế. Và sẽ mãi mãi công bằng như thế.

P/S2: Là nhân viên, chúng ta phải: "Ăn cơm chúa, múa tối ngày". Đòi cơm thật ngon để múa đẹp. Múa chăm để có nhiều cơm.

Là quản lý, chúng ta phải:
"Chúa trai là chúa hay lo
Đêm nằm cắt việc ra cho mà mùa" (mà múa, gieo vần hem được)


Hôm nay ngày khai giảng năm học mới, mong các bạn học sinh cùng nhau đọc lá thư của 1 bạn trẻ ở Đà Nẵng này. Chúc các bạn học tập thật tốt. TnBS
--------------------------------------------------------------------------------------

Mùi cá

“Thưa dượng

Con viết những dòng này khi đang ngồi trong quán Starbucks ở đất nước Phần Lan xa xôi. Hôm nay quán bán COD (coffee of the day) của Đà Lạt mình, con làm một ly to đùng. Con vừa viết vừa uống, hết ly là con ngừng đó nha (con bắt chước kiểu viết của dượng cho độc giả hụt hẫng chơi).

Con năm nay 19 tuổi, nhiễm sắc thể XY nha dượng. Con sinh ra ở một làng chài ven biển nghèo xứ Thanh Hoá và là đứa con duy nhất của mẹ. Con không có bố. Khi có con, vì người đời đàm tiếu phán xét dữ dội nên mẹ chịu không nổi, nửa đêm mẹ bế con theo xe khách đi dần vào các tỉnh miền trong. Mẹ đến nhà 1 cô người quen ở một xã ven biển ở Quảng Trị, xin làm công nhân trong xưởng nước đá. Sau đó cô ấy cho mẹ mượn tiền để tự ra riêng, thuê nhà buôn bán. Cứ mờ sáng, mẹ con dậy sớm, ra ngoài bãi chờ mấy chú đánh cá về, lấy một ít rồi đạp xe lên chợ miền núi cách đó 15km để bán lại. Con chỉ biết tên bố mình khi con đi dịch giấy khai sinh để làm hồ sơ đi du học. Mẹ con khi nào con ăn học thành tài, mẹ sẽ cho liên lạc lại để nhận mặt. Bí mật đời mẹ nên con cũng không tò mò nữa.

Con lớn lên trong mùi tanh nồng nàn của cá biển. Mẹ con tiếp xúc với cá nhiều nên mùi mồ hôi cũng là mùi cá, dù tắm xà bông cỡ nào cũng không bay hết được. Người khác thì thấy ghê ghê nhưng con thấy rất đỗi thân thương. Dượng biết không, dù hai mẹ con đã dọn đến một nơi xa lạ, nhưng xóm làng ở đây vẫn không buông tha. Con lớn lên trong sự trêu chọc của những bạn bè trang lứa, vốn có cha có mẹ đầy đủ. Rồi những lần những người đàn ông đến với mẹ con, đòi lấy mẹ nhưng đối xử với con lạnh nhạt lắm. Đàn ông châu Á thường ích kỷ, họ chỉ thương và lo cho con ruột của họ thôi nên mẹ nói thôi mẹ ở vậy, lấy về mà mấy ổng đánh con chắc mẹ sẽ chết. Mẹ lầm lũi như con cò con vạc trong ca dao xứ mình. Có bao nhiêu người đàn bà Việt Nam lầm lũi với đứa con của họ, con không biết nữa, nhưng chắc là nhiều lắm. Tư tưởng nho giáo và mối quan hệ cộng đồng làng xã đặc trưng khiến người phụ nữ châu Á mình sống cứ phải sống một cuộc đời khổ tâm.

Có lần tụi bạn học trêu chọc con là đồ không cha, mẹ hàng tôm hàng cá nên mất dạy, con quyết sống mái với chúng nó một trận với tất cả uất ức trong lòng. Bọn chúng đông hơn, đánh con thừa sống thiếu chết. Khi đem lên phân xử, có cô giáo, thầy hiệu trưởng và phụ huynh hai bên, con bị kết tội là con sai hoàn toàn. Con vẫn nhớ ánh mắt thống thiết của mẹ con khi thầy hiệu trưởng nói "chị không có chồng, chị ráng đóng vai cha để dạy con, đừng để nó thành người xấu, phá làng phá xóm như vậy nữa". Bữa đó, mẹ đạp xe chở con về, nấu cơm cho ăn xong, ra ngoài sân ôm mặt khóc nức nở. Rồi mẹ vô nhà, lấy giỏ bỏ đồ 2 mẹ con vô, nói thôi mẹ vô Đà Nẵng, ở thành phố người ta bớt soi mói hơn. Mẹ gửi con qua nhà cô chủ hãng nước đá, một ân nhân của mẹ rồi bắt xe lên đường. Con lầm lũi không nói không cười mất mấy tháng cho hết năm học, rồi theo mẹ lên Đà Nẵng.

Ở Đà Nẵng, mẹ làm công nhân cho một xí nghiệp thủy sản, do có kinh nghiệm phân loại cá. Rồi mẹ cũng trở lại nghề cũ. Mẹ con chỉ thích bán cá thôi. Cuộc sống dần ổn định và mẹ mua được cái nhà cho hai mẹ con tá túc.

Con học ở một trường bình thường, học lực trung bình chứ không phải trường chuyên lớp chọn gì. Con đọc sách Cà phê cùng Tony của dượng vào đầu năm lớp 11. Thấy hay, con đọc cho mẹ nghe. Chuyện vui, mẹ cười bảo “cái ông ni viết hài ghê ta ơi, cứ như gặp nhau cuối tuần trên tivi”. Rồi có lúc, hai mẹ con bật khóc. Nhất là khi đọc truyện Mùi Kiệu, mẹ nói, cảm giác tủi thân y chang như mẹ con mình. Rồi con đọc chuyện West Point, từ đó con nghĩ tại sao mình không làm khác. Cứ y chang mọi người thì sao thành công được. Thay vì cứ luyện toán lý hoá sinh mờ mờ sáng đến khuya, tranh nhau một suất vô ĐH ở Việt Nam, mình có thể đi nước ngoài học không. Tình cờ con đọc 1 bài báo nói về học sinh Trung Quốc hiện chiếm 1/3 sinh viên quốc tế tại các ĐH Mỹ. Bên TQ có kỳ thi “Cao Khảo” cũng khốc liệt như kỳ thi tuyển sinh ở Việt Nam, nên học sinh TQ bí mật chỉ nhau cách vào ĐH Mỹ, vì thi SAT dễ dàng hơn. Từ đó, học sinh TQ bùng nổ ở Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand…trong đó rất nhiều bạn được học bổng toàn phần, tức trường bên kia tài trợ toàn bộ kinh phí học tập lẫn ăn ở. Thế là con lân la lên mạng xem thế nào, hoá ra điều kiện để vào ĐH nước ngoài vô cùng dễ so với kỳ thi ĐH của mình. Điều kiện cần chính là điểm IELTS và SAT, còn điều kiện đủ chính là trí lực của mỗi cá nhân. Họ cần bài luận tự viết, bằng chứng về các hoạt động xã hội và từ thiện, các công trình nghiên cứu sáng tạo, các bài báo…và sự tự tin là có học bổng. Vì họ sẽ gọi phỏng vấn qua Skype. Con đọc xong, thức trắng 1 đêm, quyết định mình sẽ có lối rẽ khác. Nhất định mình không phải là đứa tầm tầm bậc trung, không chen chúc trên con đường có quá nhiều người đi.

Con đến nhà sách Đà Nẵng mua về các cuốn luyện SAT và IELTS cũng như download từ trên mạng xuống, ngồi luyện ở nhà chứ không vô trung tâm nào. Giờ trên youtube, clip dạy nghe nói đọc viết gì cũng có, thầy Tây dạy luôn. Con chỉ tốn tiền 10 triệu mượn của mẹ để mở thẻ visa debit để thanh toán cho các kỳ thi này. Tháng 3, tháng 4 con thi 2 cái này xong, rồi nộp vô các ĐH mình ưa thích trên thế giới, bằng tú tài sẽ bổ sung sau. Con nhận được thư chấp thuận vào học của nhiều ĐH lắm dượng, phần lớn là miễn 75% học phí, hoặc hoàn toàn học phí, chỉ có 1 trường ở Phần Lan và 1 trường ở Mỹ bao luôn ăn ở đi lại. Con quyết định chọn Phần Lan, tháng 6 ra Hà Nội phỏng vấn visa xong, con về thi tú tài nhẹ nhàng. Khi các bạn con dáo dác xách hồ sơ bay vào Sài Gòn, bay ra Hà Nội, ra Huế căng mắt theo dõi thông tin các nguyện vọng như thị trường chứng khoán thì con chỉ lo bán cá phụ mẹ, đá bóng, chờ ngày lên máy bay để nhập học tháng 9 ở Phần Lan.

Lúc tự luyện IELTS và SAT, con cũng đã rủ các bạn làm nhưng các bạn không dám, vì tâm lý “chắc ăn” của người mình nặng lắm dượng ơi. Thật ra, con tự tin luyện thi ĐH của nước ngoài là vì bây giờ ĐH mình nhiều quá, 4-5 trăm trường, tìm một chỗ để học đâu có khó. Các ĐH, cao đẳng vùng, cao đẳng nghề thiếu người học trầm trọng. Con thấy mấy anh chị trước luyện thi từ mờ sáng đến khuya lơ, giành nhau vô ĐH tốp này tốp kia chứ ra trường cũng thất nghiệp nếu không có ngoại ngữ thật giỏi, có trải nghiệm làm thêm hay công tác xã hội. Như chị Quỳnh, con gái của cô bán nước đá ở Quảng Trị đó, một tháng học ở Sài Gòn, cô phải gửi vào 5 triệu tiền ăn ở học thêm, 1 năm là 60 triệu, cộng học phí đi lại linh tinh khoảng 100 triệu. Tính ra 4-5 năm học khoảng 400-500 triệu chứ đâu có ít, tại mình chuyển dần thì không thấy nhiều đó thôi. Giờ học xong chị Quỳnh thất nghiệp về phụ mẹ bán nước đá, con kêu chị tìm việc làm ở nước ngoài thử xem sao thì chị nói tiếng Anh và sức khỏe của chị lèo tèo lắm, sao đi được..

Năm ngoái, thật ra, con cũng đăng ký vào trường cao đẳng nghề Đà Nẵng, và định bụng sẽ làm thêm cái ĐH tại chức tiếng Anh ban đêm, hoặc đi làm luôn nếu không có ĐH nước ngoài nào nhận. Con cao ráo đẹp trai, tiếng Anh lưu loát như vầy, mấy resort 5 sao ở Đà Nẵng, Hội An không lẽ không cần người mở cửa? Con nghĩ học sinh nên luyện IELTS hay TOEFL, vừa thi được ĐH vừa sử dụng được ngoài xã hội. Tiếng Anh là MÔN HỌC DUY NHẤT mà ai cũng có thể dùng để kiếm ăn được cả đời, tại sao không tập trung vào mà học? Nhưng trong thâm tâm, con chỉ muốn đi du học, nhưng không ai tin con, kể cả mẹ. Với nhiều người, con sãi ở chùa chỉ quét lá đa, thành công luôn phải có ai đó giúp chứ tự mình là không thể. Nhưng con theo chủ nghĩa tự thân tự lập và tự tin về điều đó. Mẹ chỉ nói mi làm chi thì cứ làm, mẹ sinh con ra là cho con một cơ hội ra cuộc đời, không phải có nghĩa vụ nuôi mẹ. Về già, mẹ sẽ về lại quê cũ, sống với các cậu các dì, hoặc vô viện dưỡng lão. Con cứ vẫy vùng bốn phương cho thỏa chí làm trai, dở quá thì về phụ mẹ. Mẹ nói mẹ bán cá ở quê thôi nhưng mà đọc bài của Tony riết nên ứng xử văn minh lắm, con cứ yên tâm.

Con đăng ký học ngành chế biến thực phẩm và công nghệ đông lạnh. Có lẽ những kinh nghiệm bán cá của con, các bức ảnh lao động chân tay của con gửi cho mấy thầy, rồi lá thư con trình bày về khát vọng làm một nhà máy chế biến bột cá ở quê nhà đã thuyết phục các thầy bên này. Chuyện đi du học, con không muốn bàn tán xôn xao nên tuyệt đối không nói với ai. Họ có giúp gì được mình đâu mà báo cáo. Họ không tin thì lại lời ra tiếng vào, con thích cách ứng xử của dượng với thế gian. Cần gì nổi danh ồn ào, “sông càng sâu càng tĩnh lặng”, hay có một câu tiếng Anh mà con thấy dượng để trên page của mình là “work hard in silence, let success be your noise”. Và con hiểu câu nói đó.

Con không biết tương lai con sẽ như thế nào. Vì Tây cho tiền con học nên con không có ràng buộc gì về việc tốt nghiệp xong phải làm gì ở đâu. Cũng có thể con sẽ tiếp tục nghề bán cá của mẹ, nhưng lần này là gánh cá ra chợ Tây. Lấy tiền của Tây đi học không khó như mọi người nghĩ. Chỉ cần có ý chí, mọi con đường đều mở ra.

Thế giới phẳng, con đã là công dân toàn cầu, thi ĐH không phải bó buộc ở nước nào nữa, muốn thi đâu thì thi, học ở đâu thì học. Và con sẽ là một công dân có ích trong 7 tỷ nhân loại này. Khi bạn bè bên này hỏi về gia đình, con đều trả lời là mẹ tao là người bán cá ở xứ biển miền trung nước Việt, đơn thân, bình thường nhưng không tầm thường. Và tao cũng vậy.

Con chỉ một ràng buộc duy nhất để trở về, chính là mùi mồ hôi tanh nồng mùi cá của mẹ con. Tự dưng, con nhớ nhà quá dượng…."

Mùi cá

Đăng bởi at

Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.

Đúng 20 năm, đến 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy kỳ tích bên bờ sông Hàn lại khủng khiếp như thế. Ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo...bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, dù dân số chỉ bằng 1/3. Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào. Trên tivi chỉ có 2 chương trình là "dạy làm người" và "dạy làm ăn", từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng, đến cách quản lý chi phí của một quán cà phê, đến cách tạo dựng một nhà máy. Từ một dân tộc "xin việc", tức các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy tại Hàn và thuê lao động Hàn, Hàn Quốc bắt đầu khan hiếm lao động và trở thành dân tộc đi "cho việc", tức xây dựng các nhà máy ở nước ngoài và hàng triệu người Trung Quốc, Thái Lan, Philippines đứng xếp hàng xin các ông chủ Hàn Quốc cho họ việc làm. Hàn Quốc đã thành công trong việc tiếp nối Nhật Bản thành dân tộc đi cho việc người khác.

Năm 1988, pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, người Hàn Quốc ôm nhau và cười trong nước mắt, hơn 100 quốc gia giàu có nhất trên thế giới miễn visa cho họ, Hàn Quốc giờ đây đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Nhưng thách thức mới lại xuất hiện, vì bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hồng Công và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí. Phim Hồng Công tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ ...4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, mối tình đầu, hoa cúc..với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hồng Công bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.

Năm 1988, ngoài 2000 người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh, ngần ấy người được cử đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu" tròn tròn xinh xinh" của dân châu Á, tụi Tây không thích, không bán được. Có những năm, những mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ và ngạc nhiên, thích thú.

Ngoài ra, những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn ở Mỹ, với tham vọng Seoul thành trung tâm tài chính như London, New York. Các quỹ đầu tư ra đời, tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không chỉ trích, đổ lỗi cho người này người kia, mỗi cá nhân chỉ góp sức góp trí để xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh hơn, với tinh thần giúp cho một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn thêm giàu có. Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi, ông lớn Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy.

Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại tinh xảo như bây giờ. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?

Tony nhớ lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở VN ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm nhờ mình mua giùm. Ở cửa hàng, cô bán hàng mặc bộ váy veston đen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho Tony xem mấy tiếng đồng hồ, đều là mỹ phẩm của Hàn cả. Do tiếng Anh không nói tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng oà khóc. Cô khóc vì tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng, cô đã không làm tròn nhiệm vụ tổ quốc giao phó. Mỗi người trong xã hội Hàn Quốc được ngầm phân công cụ thể, ai đi học thì phải học chăm chỉ, ai sản xuất thì sản xuất cho tốt, ai bán hàng thì phải bán cho được hàng, ai tiêu dùng thì phải mua đồ Hàn Quốc. Nghĩa vụ của một công dân đối với nền kinh tế đất nước chỉ có vậy thôi, không nhìn ngó và chỉ trích. Giọt nước mắt nóng bỏng của lòng tự hào dân tộc khiến Tony sững sờ. Cô chỉ là 1 người bán hàng bình thường trong muôn ngàn người bán hàng ở xứ sở kim chi biết tự giác làm hết khả năng của mình vì cái lớn lao hơn là lợi nhuận. Vì kính phục, Tony bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không. Lúc bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại Tony vẫn thấy cổ gập đầu cung kính.

Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là tổ quốc.


P/S: Hình ảnh là biểu đồ tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc, từ mức zero không có gì của năm 1960 đến 1000 tỷ năm 2007. Như vậy 1000 tỷ đô là thành quả của những đêm chỉ ngủ 5h của 50 triệu người. Từ 2 bàn tay trắng, người ta đã biến giấc mơ thành có thật. Bạn hãy làm đi, đừng nói nữa (no talk, action only) là khẩu hiệu của người Hàn Quốc.



Quả sung là một món quà tạo hoá ban cho con người ở các nước nhiệt đới. Trong lá sung có cả đạm (rất hiếm hoi thực vật có chứa đạm ngoài họ đậu) nên bạn sẽ thấy có vài nốt sần trên lá. Đây cũng là quả chứa kali và canxi rất lớn, nên mình ăn sung thì khỏi ăn tôm cua cũng được. Nên mới có câu "há miệng nằm chờ sung rụng", vì ăn sung rồi thì khỏi cần ăn mấy cái khác.

Sung có thể chế biến nhiều món ăn ngon. Đặc biệt tác dụng chống oxi hoá của nó có thể sánh ngang với mọi loại thực phẩm chức năng đắt tiền nhất. Lưu ý là thực phẩm chức năng, hay thuốc bổ, chỉ có tác dụng tâm lý. Hầu hết vi khoáng và vitamin trong cơ thể con ngừoi được tiếp nhận từ nguồn gốc tự nhiên, các vitamin tổng hợp, vi khoáng trích ly gì đó...đều bị thải hồi qua đường bài tiết. Hồi đó Tony không biết, cứ mua mấy hộp daily for man uống miết, thấy uống viên màu gì thì nước tiểu có màu đó. Sau này mới biết cơ thể mình thải loại hết trơn. Phí tiền.

Các bạn tích cực ăn hoa quả rau xanh để có sức khoẻ tốt. Nhà có không gian nên trồng vài cây sung (trong chậu cũng được) để ăn dần. Tony giới thiệu các bạn một vài món từ sung

1. Kho cá:

Cá: 1/2kg, cắt khúc hoặc cá bé thì làm sạch Sung: 20 quả, bổ đôi ra. Cá và sung sẽ được ướp với 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh xì dầu, 1 muỗng canh đường..tổi thiểu 30 phút. Sau đó đun sôi, khi sôi bỏ thêm 3 muỗng canh nước lã vào, đậy vung kho lửa thấp nhất khoảng 30 phút. Nếu có nghệ mật ong (vò viên bán sẵn trong siêu thị) thì nên mua sử dụng thay thế chất tạo màu bằng đường không tốt. Bỏ 2 viên nghệ mật ong này vào nồi cá kho lúc ướp để có màu đẹp. Sau khi chín, rắc tiêu trên bề mặt hoặc bạn nào quen mì chính bột nêm thì có thể bỏ vào, nhớ chỉ vài ba hột mì chính thôi nhé, ăn nhiều bị mỏi cổ ráng chịu.

2. Gỏi sung cá khô hay mực khô

Sung chẻ làm bốn, ngâm nước muối hoà với giấm (giấm vải Kim Ngân càng tốt) sao mình nếm thấy chua chua mặn mặn vừa miệng là được. Sau đó bỏ vào ngăn đá tủ lạnh trong 31 phút. Hoặc bỏ đá vào ngâm, để sung giòn.

Hành tây phải bỏ vào ngăn đá tủ lạnh đúng 9 phút sẽ không bị hăng khi lột và cắt. Hành tây xắt khoanh tròn, ngâm vào dấm + đường cho vị chua chua ngọt ngọt là được, ngâm khoảng 31 phút luôn.

Cá hay mực khô nướng lên, xé sợi, đếm đúng 30 sợi thì không xé nữa mà bốc lủm luôn cho hao bớt đi, nấu ăn phải ăn bớt mới là đứa dễ thương. Nên nấu xong nói nhường mọi người chứ thực ra là mình "nêm nếm" dưới bếp lòi họng rồi.

Bỏ cá khô đã xé vào cái tô lớn, vớt sung và hành tây ra, trộn đều lên. Xắt nhỏ rau răm hoặc rau thơm nào cũng được lên, trộn đều. Ăn thử coi ngon hem, nếu ngon quá thì ăn hết luôn khỏi dọn ra cho khách.

3. Mứt sung: Chỉ làm sung chín. Bổ đôi, trộn đường với tỷ lệ 1kg sung 2 kg đường. Bỏ tủ lạnh đúng 12h 15 phút, sau đó bỏ vào nồi, rim lửa nhỏ đến khi nào đặc lại thì vắt chút nước cốt chanh vào. Tây thích ăn mứt này lắm, bạn nào muốn lấy chồng Tây phải thành thạo món này.

4. Nấu chè sung: tương tự nấu chè thông thường, bổ đôi quả sung và bỏ vào nước đường nấu, thêm đậu xanh và nước cốt dừa nữa.

5. Nấu canh sung: nấu với thịt nạc giống như nấu quả sấu

Chúc các bạn cho 1 ngày chủ nhật thiệt sung, thiệt sướng. Không có quả sung thì lấy quả vả cũng được. " Lòng vả như lòng sung", quả nào cũng ăn ngon, bổ dưỡng.
Nhiều bạn trẻ thấy người ta khởi nghiệp, cũng lật đật mở công ty, nhưng chỉ được 3 bữa. Vấn đề không phải là kinh nghiệm xử lý công việc, kiến thức chuyên môn, kiến thức quản trị hay tuổi tác, vấn đề là KỸ NĂNG LÀM CHỦ không có. Nên phải dẹp tiệm.

Muốn làm chủ, thứ nhất là phải có kỹ năng giao việc. Muốn có kỹ năng này, bản thân mình phải là người luôn chân luôn tay, luôn mắt luôn miệng, luôn tính tính toán toán TỪ BÉ. Còn có ai làm sẵn cho mình vô ăn thì thua. Tony tuyển một bạn từng học cấp 3 dân lập NK, thi ĐH 29 điểm. Nó nói tụi con học vì thành tích của trường, nên ban đêm thầy cô kèm truy bài đến 11h. Bài toán vừa đưa ra, ông thầy đưa ngay công thức ráp vô giải. Đề văn này chưa suy nghĩ dàn ý là đã cô giáo cung cấp ngay 1 bài văn mẫu y chang. Nên tụi con mất khả năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin. Việc ngồi lục lọi trong thư viện, search trên google, đọc hầm bà lằng…để có thông tin mình cần LÀ KỸ NĂNG buộc phải có của người giỏi giang thật sự. Nên hằng này nó lên công ty, chờ ai giao việc thì làm, không thì ngồi đấy, cứ mỗi 5 phút ngáp 1 cái. Thấy kỹ năng ngáp tốt quá, phòng nhân sự bèn bố trí nó ngồi ở chỗ cửa ra vào. Từ đó, tuyệt đối không còn con ruồi nào bay được vào bên trong công ty nữa.




Tony quen với 4 đại lý bán phân ở 1 huyện ở miền Tây. Bốn đại lý này từng là người giúp việc cho ông Thoàn, một người giàu có trong làng. Ông Thoàn có hàng ngàn công đất, hàng trăm chiếc ghe hàng xáo, mấy nhà máy xay gạo, quán xá trên chợ, rồi vịt nuôi thả đồng, trại nuôi gà, nuôi heo, có nhà ở Sài Gòn Cần Thơ...và người ăn kẻ ở trong nhà lên tới hàng trăm. Cứ nhậu là 4 anh này kể chuyện “hồi xưa” với lòng biết ơn ông Thoàn vô hạn. Sáng nào cũng vậy, cứ đâu 4-5h là ông Thoàn ngủ dậy, ngồi trên cái ván (cái phản) bằng gỗ mun, sai gia nhân làm việc. Đố đứa nào mà rảnh tay rảnh chân với ổng. Hồi đó thì tụi này căm ghét ông Thoàn vì bắt làm nhiều quá. Nhưng giờ nghĩ lại, thấy số mình may mắn. Mấy ảnh hỏi Tony chứ HAM LÀM VIỆC VÀ BIẾT GIAO VIỆC có phải là bí mật của người giàu có không? Vì sáng sáng, thấy ông Thoàn cứ nhấp ngụm trà vô, kêu anh A làm gà, anh B ra đắp đất, chị C trồng rau, anh C chẻ củi, chị D lau nhà, chị E kiểm kho, chị F múc nước, anh G vô ruộng thăm lúa, anh H thu nợ...còn ông thì cộng cộng trừ trừ trong sổ đến khuya, suốt ngày nghĩ ra cái mới để làm ăn, mở rộng sản xuất. Tony nói đúng rồi, biết làm việc thì bình thường, nhưng biết giao việc là năng lực đặc biệt chỉ dành cho người rất giỏi, không phải cái đầu nào cũng nghĩ được việc cho người khác làm đâu. Càng nghĩ việc cho đông người làm thì càng tài năng. Đó là bí mật đầu tiên của người giàu có.

Muốn giao việc, phải có óc quan sát, phải biết sắp xếp công việc theo khả năng của từng người, QUAN TRỌNG LÀ PHẢI TỪNG LÀM TỪ VỊ TRÍ THẤP NHẤT. Nên mấy ảnh nói em nói đúng quá Tony, ai từng làm cho ông Thoàn sau này cũng làm chủ hết, vì quen luôn tay luôn chân. Tụi anh ban đầu cũng làm mướn làm công thôi, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên tích lũy được ít tiền. Sau đó mới mạnh dạn mở ra làm, nhỏ trước, lớn sau. Mỗi lần nghe mấy đứa đòi khởi nghiệp mà hỏi “vốn đâu”, thấy mắc cười dễ sợ. Các bạn nghe đứa nào nói vậy thì đừng có đưa tiền cho nó. Nó đốt hết ngay. Có ông tỷ phú nào trên thế giới mà đẻ ra là có 1 đống tiền đưa sẵn? Toàn tích cóp 9 xu đổi lấy 1 hào cả. Rồi “tiền đẻ ra tiền”, có 2 hào, 5 hào rồi 1 tỷ đô la.

Mấy ảnh nói ở cái huyện này, ngoài tụi anh bán phân bán thuốc, mấy ông chủ cây xăng, chủ xưởng gỗ, chủ xưởng sản xuất vỏ lãi (tàu ghe), chủ đại lý xi măng sắt thép…đều là người làm công của ông Thoàn ngày xưa cả. Còn mấy đứa em tui, lúc đó ở với ba mẹ, bây giờ vẫn cứ nông dân nghèo. Vì nói cái gì tụi nó cũng ngại làm. Sáng ngủ dậy là không biết mình phải làm gì ngày hôm nay. NGHĨ KHÔNG RA VIỆC CHO MÌNH THÌ LÀM CHỦ GÌ ĐƯỢC.

Lúc ông Thoàn già yếu, ông vẫn chỉ đạo công việc nên nhà cũng còn khá giả, nhưng khi ổng mất đi thì mọi thứ cũng chấm hết. Cái dở của ông Thoàn là, dù chỉ đạo và sai việc các người làm rất tốt, nhưng lại không cho con cái ông động chân động tay vào việc gì. Gia tài chia xong, mấy đứa con quản lý không nổi vì không nghĩ ra việc cho người khác làm, rồi người làm bỏ đi hết. Mấy đứa con phải bán vàng, rồi bán đất, bán cơ sở làm ăn…thậm chí lấy đổ cổ trong nhà ra bán. “Nhà từ đường” là cái cuối cùng tụi nó bán để chia nhau ăn. Hết của, các con của ông Thoàn không kiếm sống được vì vừa dở vừa lười. Mấy anh gia nhân cũ, giờ đã có cơ ngơi làm ăn ngon lành, thấy vậy mới nhận mấy đứa con đứa cháu ông Thoàn vô làm bốc vác, coi kho, giao hàng, lau nhà lau cửa, bế em…Mấy ảnh nói vì tình nghĩa mới nhận vô chứ năng suất làm việc tụi nó chỉ bằng ½ người khác.
(còn tiếp)

Tony hay đến thành phố Yên Đài (Yantai, đọc là Den-Thải) nhiều lần trong năm để mua nguyên liệu phân bón. Nói hàng Trung Quốc xấu thì không hẳn, vì ở TQ có nhà máy cấp tỉnh, nhà máy cấp huyện, cấp xã cấp thôn. Loại cấp tỉnh thì xuất qua Mỹ Nhật Châu Âu, cấp huyện thì thường dùng trong nước, loại cấp xã cấp thôn thì xuất qua mấy thị trường ham rẻ như Cam Túc, Thanh Hải, các nước Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh…Một cái quần jean ở Quảng Châu giá 200 USD thì cũng có, giá 2 USD thì cũng có. Nếu mình sống ở châu Âu hay Mỹ, mở hàng hóa ra thấy Made in China thì cũng đừng có ngại, vì để vô được các quốc gia này, mọi hàng hóa đã phải có sự kiểm nghiệm gắt gao. Thường các công ty đa quốc gia sẽ cử người đến Trung Quốc giám sát từ đầu đến cuối, tận dụng nguyên liệu có sẵn và nhân công rẻ của quốc gia này, nhưng họ phải kiểm soát chất lượng.
Trở lại Yên Đài, đây là thành phố nhỏ trực thuộc tỉnh Sơn Đông, có thắng cảnh Bồng Lai Các, nơi lưu giữ thơ văn của nhiều thi sĩ như Tô Đông Pha. Đứng ở Bồng Lai Các, mình sẽ nhìn thấy giữa biển có một vạch màu, chia làm 2 phần. Phần màu vàng là biển Hoàng Hải và phần màu xanh là biển Bột Hải. Vào ngày có sương mù, mình còn có cơ hội nhìn thấy ở ngoài khơi có những tòa nhà, có xe cộ chạy, người ta giải thích là hiện tượng quang học gì đó mà nó phản chiếu 1 thành phố trong đất liền ra ngoài như chiếu phim ấy. Trình độ Hán Ngữ của Tony chỉ có vậy nên không hiểu rõ lắm.
Ở Yên Đài, táo được trồng mênh mông bạt ngàn nên được gọi là thủ đô táo của Trung Quốc. Có nhiều giống khác nhau nhưng phổ biến nhất là giống táo hồng trông như táo giả, nhìn đẹp nhưng ăn bở không ngon. Nông dân dùng kích thích sinh trưởng nên cây lớn nhanh như thổi, hoa chi chít từ gốc đến ngọn, có cây rụng lá hết trơn mà trĩu cành hàng ngàn quả. Chính vì không thuận tự nhiên mà cây táo ở Yên Đài có tuổi thọ khá ngắn, khai thác đâu 10 năm là phải đốn bỏ. Táo không trồng được ở khí hậu nhiệt đới vì nó cần độ lạnh và tuyết vào mùa đông. Nên ai nói táo Đà Lạt hay táo Sapa gì đó thì không đúng, ở Sapa chỉ có táo mèo hoặc chỉ là trồng thí nghiệm, không thành nông sản bán ngoài chợ được.
Trái cây muốn bảo quản phải dùng hóa chất bảo quản hoặc phương pháp lạnh sâu nhanh, như xử lý dứa (thơm) hay chuối, họ chỉnh đúng nhiệt độ chính xác 6.5 độ C trong mấy phút, rồi chuyển qua nhiệt độ bao nhiêu đó trong mấy phút, trụng vô sáp trong mấy phút… Táo ở Mỹ, châu Âu cũng vậy, họ xử lý bằng nước có vitamin C (ascorbic acid) và bảo quản cả năm trong kho lạnh, vì thu hoạch theo mùa trong khi siêu thị thì lúc nào cũng có.
Ở Yên Đài, ngoài việc bọc quả táo bằng túi giấy có tẩm thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ xử lý sau thu hoạch là cả 1 vấn đề về an toàn thực phẩm. Có lần Tony tham quan 1 xưởng đóng gói táo ở đây. Vừa bước vào xưởng, Tony nhìn thấy mấy bồn chứa to như cái nhà, táo sau khi rửa sạch, sẽ được đổ vào bồn, ngâm khoảng 30 phút rồi theo băng chuyền đến khu vực quạt sấy khô. Nhân công sẽ dùng cái miếng xốp bọc từng quả, bỏ vào thùng. Trong cái bồn ngâm đó, ôi thôi hầm bà lằng các loại hóa chất, rồi có cả hương táo nhân tạo nữa. Nên táo ngâm vào đó xong, thơm nồng nặc…mùi táo.
Tony trò chuyện với anh Trung, chủ xưởng. Ảnh nói táo đưa vô siêu thị Bắc Kinh, Thượng Hải thì là loại khác, quy trình khác, đóng gói trong nhà máy khác. Còn cái này của tụi tao bán ở các tỉnh phía nam, từ đây đến đó cả mấy nghìn dặm, khí hậu dưới đấy lại nóng ẩm, dễ hỏng lắm. Tony kể có lần nhà tao có mua 1 quả táo, xong để quên, 1 năm sau bổ ra thì thấy bên trong đã thối còn bên ngoài vẫn tươi nguyên. Ảnh cười ha hả, nói với kiểu xử lý như vầy, bên ngoài đã nhựa hóa, thì có con vi khuẩn nào xâm nhập được vào đâu mà gây thối. Có thối thì thối từ bên trong do trong ruột chưa nhựa hóa kịp. Thì cũng như mày mua táo nhựa thôi.
Tony bắt đầu choáng váng nhẹ. Anh Trung nhìn Tony một hồi rồi nói, Tony à, mày đẹp trai nhìn y chang nhân vật Vạn Kiếm Nhất trong truyện Tru Tiên, đừng có chết sớm uổng lắm, nên nghe tao dặn nè. Nếu mày mua táo mà phơi nắng phơi sương cả tháng không hỏng, mùi hương nồng nàn thì nhớ gọt bỏ sâu khoảng 1cm từ vỏ. Còn mua ở siêu thị loại bảo quản lạnh thì cứ an tâm. Tao làm cái này chứ cũng không có ăn, nông dân cũng vậy, họ trồng riêng cái nào để ăn cái nào để bán. Tao nghĩ ở nước mày cũng vậy mà, nông dân bao giờ chẳng trồng khu này "để ăn" khu kia "để bán".
Tony nghe xong, mặt mũi như "da trời ai nhuộm mà xanh ngắt". Anh Trung hỏi mày bị càn-mao ư (càn-mao là cảm mạo). Cái Tony nói ừa, chắc tao bị thẩu thẩng (thẩu thẩng là nhức đầu) hay quay thung gì đó (quay thung là đau bụng). Anh Trung rú lên, Tony ơi, mày bị càn-mao mà nhìn cũng đẹp. Rồi anh cho công nhân viên nghỉ giải lao để tham quan Tony, anh nói, đúng là đất phương nam, kỳ địa sinh kỳ nhân, nó bị càn-mao mà vẫn ngời ngời thanh tú.
Cái này do Tony tự mày mò làm thử và thấy ngon. Hướng dẫn 1 chị giúp việc ngày xưa, giờ chị về quê mở cơ sở sản xuất muối, làm ăn cũng khá, mua được xe hơi để đi lại. Bạn nào mần thử, nếu ngon thì đóng chai bán. Có biết ơn tui thì gửi xuống Cần Thơ 1 hũ nhé.
Nguyên liệu
-Rau răm, 1 bó lớn khoảng 100 cây.
-Lá giang hoặc lá cóc hoặc lá gì có vị chua.
-Ớt tươi, lựa loại màu đỏ cho đẹp, 5 quả
-Muối ăn, khoảng 100 gram
-Bột nêm, hoặc mì chính, 1/2 muỗng cà phê
-Tiêu, cũng 1/2 muỗng cà phê
-CỐI ĐÁ, hoặc cối Inox, cối kim loại, không dùng cối gỗ nhé.
Cách làm: Bỏ tất cả nguyên liệu trên vào cái cối đá, giã cho nát tan cõi lòng. Vừa giã vừa nghĩ đến ai đó mình ghét nhất, lực giã sẽ mạnh hơn mà không thấy mệt.
Giã khoảng 10 phút cho các nguyên liệu trộn lẫn vào nhau, nhớ là nát hết nhé, nhặt xơ ra nếu có. Hỗn hợp sau khi giã sẽ có dạng sền sệt. Nếu không có lá giang thì mình dùng rau răm không thôi cũng được, cũng rất ngon. Sau đó mình tới công đoạn nướng.
Nếu nhà mình có lò nướng, mình bỏ cái cối vô lò, chỉnh nhiệt độ thấp và nướng trong 7 phút 50 giây.
Nếu nhà dùng than củi thì thổi than thật nóng, gắp than bỏ trên cối muối rau răm vừa giã, khoảng 15 phút thì hất bỏ phần than và tro phía trên.
Nếu nhà chỉ có bếp ga bếp điện, thì mình nướng cả cái cối đá hay cối inox ấy trên lửa, đúng 5 phút 15 giây thì tắt bếp.
Lúc này, hỗn hợp muối trên sẽ cháy vàng, bốc mùi thơm ngào ngạt. Mình để cối nguội, rồi lấy chày giã lại. Hỗn hợp trên nó sẽ cứng ngắt thành một khối nên mình cứ giã, nó sẽ vụn ra. Rồi dùng lực nghiền, lấy chày xoay xung quanh cối đúng 20 vòng là hỗn hợp muối trên thành dạng bột.
Lấy tay quẹt thử đưa lên miệng liếm. Chu cha, vừa thơm vừa mặn mặn, lại hậu chua chua. Dùng để ăn cơm nóng khi trời mưa thì thôi quất tới. Không thì bữa nào ăn thịt gà hay cá gì đó lấy ra chấm. Đảm bảo chưa chấm nước bọt đã chảy xuống cổ.
Bạn nào ăn chay cũng làm để dành. Bạn nào đi du hạc cũng nên làm vài hũ mang sang nước ngoài. Rau răm khi nướng lên sẽ có mùi thơm rất lạ, tuyệt diệu, ngon nhất trong các loại muối. Muối này bảo quản được lâu, cả năm không hỏng.
Nấu canh chua, nêm cái này cũng được. Viết đến đây thì Iphone 6 của Tony đã bị nhoè nước...
Click để bắt đầu chia sẻ những bức ảnh vui!

LIKE BOX